Lịch sử hình thành giáo xứ Mạc Ty Nho Saigon
Lịch sử hình thành
Nhà thờ, giáo xứ Mạc Ty Nho Saigon
Lịch sử giáo xứ
Dưới Triều đại các vua Minh Mạng và Tự Đức, một cuộc chiến đẫm máu đã bùng nổ, giữa nước Việt Nam và nước Pháp. Kết cuộc Nam Bộ trở thành thuộc địa của Pháp, Bắc Bộ và Trung Bộ trở thành bảo hộ.
Nước Pháp lập ngay căn cứ Đạo binh viễn chinh của họ mang tên 11ème RIC (Onzième Régiment d’Infanterie Coloniale) từ vườn Bách Thảo đến gần tới Nhà Văn Hóa Quận 1 bây giờ.Căn cứ được xây dựng rất kiên cố với những tòa nhà một lầu và hai lầu lợp ngói để biểu dương sức mạnh và giàu sang của họ. Bên cạnh Đạo binh viễn chinh họ lập một trại gia binh.
Lúc ấy Cha Eugène Soullard (1906-1949) là Cha sở nhà thờ Chính Tòa đồng thời là Cha Tổng Đại diện Giáo phận Saigon, Ngài đi thăm trại gia binh, thấy có đông người Việt Nam lương giáo, liền cất cho họ một nhà trường bằng gỗ lợp tôn, mời hai nữ tu sĩ Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán đến dạy các trẻ. Hai nữ tu cũng có nhà ở tại trại. Ngài cũng cất một Nhà nguyện bằng vật liệu nhẹ cho người Công giáo có nơi lo việc đạo.Năm 1949 Cha Eugène Soullard qua đời. Cha Robert Séminel xây dựng nhà thờ mới bằng vật liệu nặng, năm căn rộng và cao, lợp ngói, rất tráng lệ, có tháp chuông cao 15m. Nhà thờ mới được Đức Cha Jean Cassaigne Giám mục Saigon làm phép và dân kính Thánh Mạc-Ty-Nho Giám mục làm bổn mạng. Thế là nhà thờ Chính tòa có họ lẽ là giáo xứ Mạc Ty Nho.
Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, căn cứ Đạo binh viễn chinh Pháp biến thành Lữ đoàn Phòng vệ Tổng Thống Phủ. Khu gia binh trở thành trại gia binh của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa.Quân đội Việt Nam Cộng Hòa có Nha Tuyên Uý. Cha Giám đốc đầu tiên của Nha Tuyên Uý là Cha Phaolô Lê Trung Thịnh, Đức cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đặt Ngài làm Chính xứ Mạc-Ty-Nho, có cha phó là linh mục Hoàng Kim.
Cha Phaolô Thịnh có sáng kiến mở mang giáo xứ liền xây nhà trường Mạc-Ty-Nho bằng vật liệu nặng một lầu có nhiều phòng lớp khang trang, đối diện nhà thờ. Thế là giáo xứ thêm lộng lẫy.
Năm 1976, Ngài đi học tập cải tạo, nhầm lúc linh mục Phaolô Nguyễn Văn Đậu, Cha sở Bảo Lộc được Đức Cha Đà Lạt cho phép nghỉ hưu tại nhà thờ Đức Bà Saigon. cha Phaolô Thịnh mời ngài coi xứ Mạc-Ty-Nho lúc Cha đi học tập cải tạo, với sự đồng ý của Đức cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình.Cha Phaolô Nguyễn Văn Đậu giúp xứ Mạc-Ty-Nho cho đến ngày 11 tháng 12 năm 1998 thì nghỉ hưu sau khi mừng sinh nhật lần thứ 88 tức là 20 năm trọn, ngày hôm ấy Ngài bàn giao giáo xứ cho Cha xứ mới là linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền.
Lễ Đức Mẹ Mân Côi ngày 4 tháng 10 năm 2003, giáo xứ Mạc Ty Nho có Cha xứ mới là linh mục Gioan Lê Quang Việt.Ngày 12 tháng 09 năm 2020: Tổ chức thánh lễ nhậm chức Chánh xứ cho Cha Giuse Đinh Quang Lâm
Tham khảo:
TGPSaigon:
Nhà thờ Mạc Ty Nho nằm trên một trong những con đường lớn của trung tâm thành phố, dòng người liên tục chảy, nhịp bước chân người luôn hối hả. Vì thế, tiếng chuông ngân vang mỗi khi chiều về như lời mời gọi “Người ơi! Dừng chân”... Lời mời ấy khởi đi từ bước chân tìm Chúa của Martin Thành Tours, tới nhịp chân của các vị Thừa sai đem tinh thần Martin tới đất Saigon, qua dấu chân tiền nhân xây ngôi nhà Giáo Hội tại Đakao trong 60 năm qua với bao thăng trầm của lịch sử dân Việt...
Lời ngỏ trên đây của cha sở Gioan Lê Quang Việt trong cuốn “Nhịp bước Mac Ty Nho” đã như một nét phác họa về địa điểm và nguồn gốc của nhà thờ Mạc Ty Nho, tọa lạc tại số 16A Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TP. HCM. Giáo xứ Mạc Ty Nho đã chọn Thánh Martin thành Tours làm Bổn mạng, được mừng vào ngày 11 tháng 11 hằng năm.Thuở ban đầu
Bảy mươi năm về trước, đối diện với giáo xứ Mạc Ty Nho là căn cứ chuyển vận 11C của quân đội Pháp. Căn cứ này chạy dài từ đường Chasseloup Laubat (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) sang Mạc Đĩnh Chi (nay là Lê Duẫn), đến Nguyễn Bỉnh Khiêm (giáp ranh Thảo Cầm Viên) rồi trở lại Chasseloup Laubat. Căn cứ này có hai cổng tại ngã ba Norodom – Luro (trước là Cường Để, nay là Tôn Đức Thắng) và ngã ba Chasseloup Laubat – Đinh Tiên Hoàng. Đoạn đường giữa hai ngã ba lúc ấy chỉ là con đường nội bộ của căn cứ. Bên cạnh căn cứ, quân đội Pháp cho xây dựng một khu gia binh tại số 18 Hồng Thập Tự.Ngôi nhà thờ đầu tiên
Để đáp ứng nhu cầu mục vụ cho quân nhân Công giáo và thân nhân ở khu gia binh, linh mục Thừa Sai Pháp Eugène Soullard – cha sở nhà thờ Chánh Tòa và cũng là cha Tổng Đại Diện Giáo phận Saigon – đã cho xây dựng một nhà nguyện ở số 18/16 và một trường học với 6 phòng vừa để dạy chữ, vừa để dạy giáo lý. Ngôi nhà nguyện và nhà trường được xây dựng bằng vật liệu nhẹ, lợp tôn. Các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán được mời đến dạy học và dạy giáo lý. Thánh lễ thì do quý cha ở nhà thờ Chánh Toà đảm nhận.Ngôi nhà thờ thứ hai
Cuối năm 1949, Cha Eugène Soullard qua đời, Cha Robert Séminel thay thế. Cha cho xây dựng lại ngôi nhà nguyện trở thành ngôi thánh đường gồm 5 gian và một tháp chuông cao 15m bằng vật liệu bán kiên cố, mái lợp ngói. Công trình hoàn tất và được khánh thành vào ngày 21.12.1950. Đức cha Jean Cassaigne đã làm phép nhà thờ và dâng kính thánh Giám mục Martin de Tours. Trong thực tế, người đảm nhận chính trong việc xây dựng là linh mục Gioan Baotixita Hồ Văn Vui, linh mục phụ tá nhà thờ Chánh tòa. Cha Gioan Baotixita Vui cho lập Legio, Hướng đạo Việt Nam để chăm lo cho giới trẻ, cha đặc biệt chú trọng đến việc vun trồng ơn gọi. Các linh mục xuất thân từ giáo xứ hầu hết là những người được cha gởi vào chủng viện.Cha Phanxicô Nguyễn Hữu Tấn lúc đó vừa là cha tuyên úy vừa là linh mục phụ tá nhà thờ Chánh tòa, hằng ngày đến dâng lễ giúp họ đạo. Ngài đặc biệt quan tâm đến đời sống của cộng đoàn và công tác giáo dục thanh thiếu niên. Cha đặc trách Nghĩa Binh Thánh Thể Saigon, và sau đó Nghĩa Binh Thánh Thể toàn quốc. Cha sống rất giản dị và nghèo khó, chan hòa và gần gũi với mọi người. Năm 1961, Cha Phanxicô Tấn được cử làm Giám đốc Chủng viện Thánh Giuse Vũng Tàu, chi nhánh của Chủng viện Saigon.
Trong buổi sơ khai, ngoài sự trợ giúp của các linh mục người Pháp, còn có các linh mục Việt Nam ở nhà thờ Chánh tòa đến giúp giáo xứ Mạc Ty Nho. Từ 1954 đến 1971, có Cha Inhaxiô Mai Xuân Hậu là Phó giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse đến giúp dâng Thánh lễ và dạy giáo lý cho thiếu nhi. Thời gian phục vụ tuy ngắn nhưng cha Inhaxiô đã để lại nhiều điều tốt đẹp trong tâm khảm giáo dân.Dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, khu gia binh Pháp trở thành trại gia binh của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Quân đội Việt Nam Cộng Hoà có Nha Tuyên úy. Giám đốc đầu tiên của Nha này là Cha Phaolô Lê Trung Thịnh. Đức cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đã đặt ngài làm chính xứ Mạc Ty Nho, có cha phó là linh mục Gioakim Lương Hoàng Kim (1972-1985). Cha Kim giúp các thiếu nhi có cơ hội làm việc, sống, cầu nguyện và giải trí chung với nhau để nhờ đó hiểu biết và tôn trọng quý mến nhau hơn. Cha thay đổi việc học giáo lý cũ (hỏi thưa) bằng việc học Thánh Kinh. Thứ bảy cuối tháng các em được làm hòa với Chúa. Tối thứ Bảy hằng tuần, các em được nghe Phúc m ngày Chúa nhật và có một bài học để áp dụng trong tuần. Có giờ lễ riêng cho thiếu nhi.
Năm 1962, vì nhu cầu phát triển của họ đạo, cha Phaolô Thịnh có sáng kiến mở mang giáo xứ, cho xây thêm cánh phải của nhà thờ với diện tích là 80m2, sau đó là trường tiểu học và mẫu giáo Mạc Ty Nho (tức Martino được Việt hóa theo yêu cầu của trường tư thục Saigon) cao 3 tầng gồm 14 phòng, hiện cho nhà nước mượn làm trường học - trước là trường phổ thông cấp 1 Ấp Bắc, nay là Trung tâm giáo dục thường xuyên Quận 1. Năm 1976, ngài đi học cải tạo. Cùng khi ấy, linh mục Phaolô Nguyễn Văn Đậu - cha sở nhà thờ Bảo Lộc - được Đức cha Đà Lạt cho phép nghỉ hưu tại Nhà thờ Đức Bà Saigon. Cha Phaolô Thịnh đã mời cha Phaolô Đậu coi xứ với sự đồng ý của Đức cố Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình.Linh mục Phaolô Đậu phụ trách họ đạo trong giai đoạn hết sức khó khăn - đa số giáo dân phải đi kinh tế mới và hồi hương lập nghiệp. Sau đợt kiểm tra dân số Công giáo vào tháng 4.1992, số giáo dân là 1297, chia thành 5 khu. Khi đất nước cởi mở hơn, cha thiết lập Hội đồng Mục vụ Giáo xứ (HĐMVGX), Hội Khấn, Lễ Sinh, Nhóm Cầu nguyện, Sinh hoạt Giới Trẻ. Cha giúp xứ cho đến ngày 11.12.1998 thì nghỉ hưu sau khi mừng sinh nhật lần thứ 88, tức là tròn 22 năm, bàn giao giáo xứ cho cha xứ mới là linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền.
Sau khi nhận xứ, Linh mục Phêrô Hiền đã tiến hành cuộc gặp gỡ các khu. Theo nguyện vọng của giáo dân khu 4 và 5, Tòa Giám mục đã tách 2 khu của Mạc Ty Nho sát nhập vào giáo xứ Phanxicô Đakao. Giáo xứ Mạc Ty Nho còn lại 3 khu với 847 giáo dân.Do nhu cầu sinh hoạt của thiếu nhi và giới trẻ giáo phận, cùng với sự gia tăng số giáo dân vãng lai, ngày 21.02.1999, cha Phêrô đã khởi công nâng cấp nhà thờ, sửa lại gian cung thánh, xây thêm cánh trái nhà thờ với diện tích 60m2, lát gạch nền, bọc lại ghế cũ và làm thêm 200 ghế mới, trang bị lại hệ thống âm thanh và ánh sáng.
Ngày 12.04.1999, giáo xứ xây dựng Hội quán với sức chứa 200 chỗ ngồi, có thể ngăn làm 3 phòng: ban ngày dạy trẻ, ban tối sinh hoạt giới trẻ.Cha Phêrô ứng dụng vi tính vào việc quản trị, củng cố lại HĐMVGX, ca đoàn, lễ sinh, thiết lập Ban Giáo lý (áp dụng chương trình dạy Giáo lý theo lứa tuổi, thiếu nhi được tổ chức có quy củ hơn), lập Hội Hiền Mẫu, nhóm Mục vụ Gia đình, Mục vụ Giới trẻ. Cha khuyến khích các nhóm giao lưu với các giáo xứ khác để chia sẻ kinh nghiệm, đức tin và truyền giáo. Cha canh tân nội dung các giờ kinh nguyện, in sách kinh nguyện và ca nguyện, tiến hành đọc giờ kinh phụng vụ.
Vào lễ Đức Mẹ Môi Khôi 04.10.2003, giáo xứ có cha sở mới là linh mục Gioan Lê Quang Việt. Ngoài sứ vụ chánh xứ, cha Gioan còn đảm nhiệm sứ vụ đặc trách giới trẻ giáo phận. Ngài có nhiều hoạt động dấn thân trong các hội đoàn. Bộ mặt giáo xứ có nhiều thay đổi. Các đoàn thể sinh hoạt có định hướng. Hoa trái của niềm tin tiếp tục trổ sinh nơi các người trẻ.
Từ thao thức có một ngôi nhà để đào tạo thế hệ trẻ phục vụ cho Giáo Hội, từ nhiệt tình tông đồ của cha sở Gioan trong trách nhiệm đặc trách giới trẻ, mà Martin’s house được hình thành với biết bao công lao của ngài cùng các ân nhân trong và ngoài giáo xứ. Đây là nơi được cha sở đặt một cái tên rất dễ thương: ‘Nơi hẹn hò của giới trẻ’ - nơi mà các lớp huấn luyện giới trẻ được mở ra thường xuyên, nơi sinh hoạt của từ 100 đến 200 thành viên nòng cốt trong các nhóm. Sinh hoạt mục vụ luôn được cha Gioan quan tâm để người trẻ lớn lên qua các sinh hoạt và trách nhiệm được giao phó. Nhà Chầu Thánh Thể được hoàn thành năm 2007 là chốn nghỉ ngơi cho các bậc cao niên, là điểm hẹn lý tưởng cho người trẻ.Mục vụ Giáo xứ
Cộng tác với giáo xứ Mạc Ty Nho với con số giáo dân gần 900 (chưa kể di dân) từ thời gian đầu cho tới hiện nay có các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, Dòng Thánh Phaolô, Dòng Mến Thánh Giá Khiết Tâm, Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ.Các nhóm sinh hoạt trong giáo xứ gồm có Hội Hiền Mẫu, Hội Mục vụ Gia đình trẻ, Giáo lý viên và Lễ sinh.
Về các ca đoàn, như lời nhận xét của anh chị em cộng đoàn Emmanuel, giáo xứ Mạc Ty Nho là một cộng đoàn hiệp thông phong phú. Ngoài giáo xứ chánh tòa, ít có nơi đâu quy tụ các ca đoàn từ các nơi khác về phục vụ như giáo xứ Mạc Ty Nho. Trong số 5 ca đoàn hiện đang phục vụ, chỉ có ca đoàn Cécilia của các bạn trẻ và một ca đoàn ‘nhí’ Seraphim của các em thiếu nhi là sinh hoạt tại giáo xứ. Ba ca đoàn từ nơi khác đến là: ca đoàn Trùng Dương, ca đoàn Đắc Lộ và ca đoàn Hiển Linh.
Anh chị em cộng đoàn Emmanuel hoặc các nhóm và hội đoàn khác, tuy không thuộc về giáo xứ Mạc Ty Nho, nhưng luôn xem giáo xứ là ngôi nhà chung, là một cộng đoàn phụng vụ, một cộng đoàn mở ra và truyền giáo, là niềm hy vọng của Giáo Hội.Dạy Giáo lý
Việc hướng dẫn đức tin cho các em thiếu nhi được quý nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Khiết Tâm và quý thầy dự tu Dòng Chúa Cứu Thế cộng tác cùng đội ngũ giáo lý viên phụ trách.Giờ lễ & giờ cầu nguyện chung
Thánh lễ Chúa nhật: lúc 7g, 8g30 (tiếng Anh) và 17g30 (dành cho Thiếu nhi). Thánh lễ ngày thường lúc 17g30.Giờ chầu chung vào các chiều thứ Năm lúc 17g.
Giờ cầu nguyện Taizé: Thứ Tư đầu tháng lúc 19g30.
Hoạt động bác ái
Giáo xứ Mạc Ty Nho có ban Caritas, tổ chức những hoạt động bác ái theo hoạt động của giáo phận.Nhìn về tương lai
Với ý thức Giáo Hội là gia đình của Chúa, có Thiên Chúa là Cha, có Đức Kitô là Trưởng Tử giữa đàn em đông đúc, có Chúa Thánh Thần là tình yêu hiệp thông, cha sở đương nhiệm đã xây dựng kế hoạch mục vụ “giáo xứ là gia đình của các gia đình”, canh tân cử hành phụng vụ, cầu nguyện trong bầu khí hiệp thông gia đình.Giáo xứ Mạc Ty Nho đang hình thành một chương trình mục vụ tiền và hậu hôn nhân thống nhất và xuyên suốt, giúp gia đình thăng tiến đời sống cầu nguyện, tăng trưởng tình yêu hiệp nhất và chung thủy, ươm mầm các ơn gọi, chung tay giáo dục con cái trong sự thánh thiện và bền vững trong ân sủng của bí tích hôn nhân. Đây là một trong những thao thức của cha chính xứ: ngài cho rằng điều quan trọng nhất là làm sao cho những ai đến sinh hoạt với giáo xứ thấy được trách nhiệm và gắn bó dài lâu. Chẳng hạn như những sinh viên đã học và hoạt động ở đây, nay đã có gia đình, vẫn quay về với ngôi nhà chung, gắn bó và thăng tiến đức tin.
Ngoài ra, với ý thức ‘người trẻ không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại của Giáo Hội’, giáo xứ cố gắng đầu tư năng lực và thời giờ cho mục vụ giáo dục giới trẻ. Giới trẻ được học tập và đảm nhận những trách nhiệm trong giáo xứ, để họ được lớn lên khi tham gia các sinh hoạt điều hành tổ chức. Việc đào tạo những linh hoạt viên giới trẻ có tinh thần truyền giáo và biết làm việc tập thể là điều hết sức cần thiết. Giáo xứ đã hướng dẫn giới trẻ sử dụng các phương tiện truyền thông một cách hữu ích bằng cách phổ biến những giá trị Tin Mừng và nhân bản.
Điều thao thức hiện nay của cha sở Gioan là cố gắng làm sao mời gọi cộng đoàn Dân Chúa nhìn thấy nhu cầu của Giáo Hội mà đón tiếp các bạn trẻ, giúp họ cùng nhau cầu nguyện, cùng chung tay hoạt động, cùng góp sức xây dựng Nhà Chúa, giúp họ thấy được trách nhiệm với ngôi nhà chung để lớn lên và luôn thăng tiến trong đức tin.Lời kết
Giáo xứ Mạc Ty Nho tuy ở mặt tiền, đường xá ồn ào náo nhiệt, khuôn viên hoạt động mục vụ hơi chật hẹp, nhưng có thuận lợi là gần các trường đại học, các văn phòng, công ty... nên thu hút các sinh viên, các nhân viên văn phòng và các bạn trẻ đến tham dự Thánh lễ. Họ ưa thích ‘chất trẻ’ và ‘chất gia đình’ trong các thánh lễ. Thánh lễ đặc biệt rất đúng giờ nên các bạn trẻ có thể an tâm sắp xếp thời gian cho kịp giờ đi học và đi làm của họ.Dù chỉ là ngôi nhà thờ nhỏ nằm khiêm tốn trên đường phố trung tâm, nhưng tháp chuông với thập giá vươn cao đã giúp cho mọi người dễ định hướng mà tìm đến, để dâng lên Chúa những nhu cầu của nhịp sống thời di động, trong cảm nhận thân thương về một “giáo xứ tôi”, mỗi khi nghe tiếng chuông ngân vang mời gọi.
Nguyện xin thánh Martin de Tours giúp cho ‘nhịp bước Mạc Ty Nho’ luôn vững vàng trong hành trình tiến về phía trước.(Nhịp Sống Tin Mừng 2019)