Ca đoàn Trùng Dương

CA ĐOÀN TRÙNG DƯƠNG

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG LANG THANG VỚI CHÚA & VỚI ANH EM
t70
KHỞI THỦY CA ĐOÀN TRÙNG DƯƠNG
          Ca đoàn tự phát: Khoảng năm 1958, tại nhà thờ Mai Khôi đã bắt đầu có hát Thánh Lễ. Khởi đầu, trụ sở đặt tại số 43 Nguyễn Thông, Quận 3. Số lượng thành viên tham gia ban đầu khoảng mươi người, nhưng chỉ tự phát và qui tụ các anh chị em biết, thích hát nhạc lễ, chưa có tên của ca đoàn, chưa hình thành nên một đoàn thể có qui củ, hoạt động nề nếp.
          Câu lạc bộ Phục Hưng: (1960 – 1963): Một số các anh chị em sinh viên hoạt động trong Liên đoàn Sinh Viên Công Giáo Viện Đại-học Saigon qui tụ thành một nhóm nhằm giúp nhau sống "tốt đời, đẹp đạo". Họ đặt trụ sở tại 223 Hiền Vương (nay là Võ thị Sáu), thuộc tu viện Mai Khôi do các linh mục dòng Đa Minh chi Lyon chăm sóc về mặt thiêng liêng. Dần dần hình thành một ca đoàn cũng chưa có tên cụ thể. Các ca viên của Câu lạc bộ Phục Hưng thoạt đầu chỉ hát thánh lễ tại nhà thờ Mai Khôi với tính chất ai biết và thích hát thì hát, không có ca viên hát cố định và không hát bè. Tuy nhiên từ đó nảy sinh nhu cầu hát hoàn chỉnh hơn, bài bản tốt hơn.
          Do đó anh Trần Ngọc Báu, một thành viên chủ chốt của Câu lạc bộ, có mối quen biết thân thiết với anh Trần Văn Quý và nhờ anh tổ chức thành lập ca đoàn. Anh Quý nguyên là cựu chủng sinh Dòng Chúa Cứu Thế, đang phục vụ trong quân nhạc, nên anh có nền tảng rất vững chắc về hợp xướng. Anh Quý chủ trương thành lập một ca đoàn bốn bè. Hầu hết các ca viên là sinh viên thuộc các phân khoa của Viện Đại Học Saigon, nên ca đoàn lấy tên là Ban Hợp Ca Liên đoàn Sinh viên Công Giáo Viện Đại Học Saigon, gọi tắt là Ban Hợp ca Sinh Viên.
GIAI ĐOẠN 1963 – 1975, BAN HỢP XƯỚNG TRÙNG DƯƠNG RA ĐỜI
          Các thành viên chủ chốt lúc đó là: Trần Văn Quý, Trần Ngọc Báu, Nguyễn Phúc Khánh, Đỗ Hữu Nghiêm, Vũ Sinh Hiên. Lúc này ca đoàn có khoảng 40 thành viên. Người tích cực đôn đốc thúc đẩy và tổ chức anh chị em ca đoàn hăng say nhất phải kể cách riêng đến Nguyễn Phúc Khánh, một sinh viên toán học, nhỏ bé nhưng rất năng động, ăn nói và làm việc nẩy lửa, nói năng nhanh nhẹn, nổ dòn như bắn liên thanh. Linh hồn của ca đoàn chính là những tài nghệ âm nhạc như những anh ca trưởng thế hệ Trương Văn Ngọc, Trần Anh Linh, Trần Văn Quý, Lại Quốc Hùng lo việc tập tành huấn luyện về nghệ thuật và xướng nhạc pháp và tài liệu bài vở ca hát. Những tay hoạt náo có hạng trong ca đoàn phải kể đến Đặng Mộng Thu, Nguyễn Thị Quý (Cao Thắng), Lê Minh Tâm, Nông Thị Khuê, Đặng Kim Thoa, Nguyễn Cẩm Vân, Đỗ Hữu Nghiêm, Kiều Quang Chẩn, Trần Đức Cương, Vũ Sinh Hiên, Nguyễn Trọng Kim, Phạm Trung, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Văn Thành, Vũ Mỹ Linh, Hà Hải Lượng, Nguyễn Thị Sương, Hoàng Hoa Bắc, Nguyễn Ánh Tuyết, Nguyễn thị Tuyết Mai, Lương thị Bạch Tuyết...Người ta không thể quên được mấy chị em Nguyễn Thị Quý, Nguyễn Kim Yến, Nguyễn Thị Hằng của Xóm Bùi Chu và Phan thị Thanh Hằng xóm Phú Nhuận, về sau trở thành người bạn đời của anh Trần Văn Quý.
          Kế Nguyễn Phúc Khánh "Râu" có Đỗ Hữu Nghiêm "nham nhở" một thời làm Ca Đoàn trưởng, lo đôn đốc tổ chức cùng với nhiều anh em khác. Tiếp theo là Nguyễn Thị Hương Lan, dược khoa, làm Ca đoàn trưởng rất tích cực trong một thời gian. Người liên tục nắm giữ vị trí ca trưởng tài hoa là anh Trần Văn Quý. Đôi lúc có Lại quốc Hùng hay Nguyễn Trọng Kim phụ tá thay thế. Nhưng Trần Văn Quý là người có đôi tai nghệ sĩ rất tinh tường khi anh dần dần đào tạo Hoàng Hương trở thành một ca trưởng. Năm 1969, anh thành hôn với chị Phan Thanh Hằng (Alto) và cùng năm đó hai vợ chồng từ giã Trùng Dương để đi nhận nhiệm sở ngoại giao ở Buenos Aires, Argentina. Bốn năm sau, tháng 10-1973, sau một dạ tiệc tạm biệt bạn bè, từ giã nhiệm sở để trở về Việt Nam, anh bất ngờ bị tử nạn. Một tai nạn xe lửa đụng xe hơi hi hữu vào khoảng một giờ đêm tại thủ đô nước Argentina. Khi đó thì Hoàng Hương đã có thể chính thức thay thế và tiếp tục xây dựng thế hệ tiếp theo của ca đoàn Trùng Dương, với yểm trợ và khuyến khích của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín.
          Giai đoạn 1964-1966, Ca Đoàn Trùng Dương thì có khá nhiều hoạt động đa dạng đáng chú ý như mở rộng sinh hoạt với nhóm nhạc sĩ Trần Văn Tín, với các đoàn thánh ca thuộc ca đoàn Đệ Tử Dòng Chúa Cứu Thế (An Phong Học viện), ca đoàn Phanxicô, ca đoàn Nhà Thờ Đức Bà... TRÙNG DƯƠNG đã có những tháng ngày bận rộn với tổ chức ban đầu để đi vào nền nếp và với hai buổi trình diễn "đầu đời" Dạ hội hợp xướng Trùng Dương nhằm mục đích gây quĩ hoạt động công tác xã hội, dưới sự chủ tọa của Đức Khâm Mạng Tòa Thánh Angelo Palmas.
          Sau đó, Trùng Dương còn mở rộng tinh thần đại kết với các giáo hội Kitô, đặc biệt là anh chị em thanh niên Cơ Đốc Phục Lâm và Ban Thánh Ca Mennonite, tham gia cầu nguyện đại kết với chi hội Tin Lành Pháp ở Nhà Nguyện Bệnh Viện Grall.
GIAI ĐOẠN 1975 – 1978, HOẠT ĐỘNG VỚI TÊN GỌI CUNG CHIỀU
          Tháng 10 năm 1975, Trùng Dương họp một số anh em, cộng thêm một ít bạn mới, tổ chức ngày Giỗ cho Anh Trần Văn Quý tại văn phòng của Cha Vũ Khởi Phụng tại Dòng Chúa Cứu Thế. Một lễ Giỗ âm thầm và trong không khí giống như các Tông đồ khi xưa khi Chúa vừa táng trong mồ. Không ai ngờ rằng đây là khởi điểm của một sự hồi sinh và chuyển hóa rất sâu sắc của Trùng Dương. Nhưng không phải tại Dòng Chúa Cứu Thế mà là tại Nhà Thờ Đắc Lộ của Dòng Tên, 161 Yên Đổ, nay là Lý Chính Thắng. Cha Sở Khuất Duy Linh cần một ca đoàn để phục vụ Thánh Lễ cho giới trẻ đang nô nức kéo về Nhà Thờ, và thế là Ca đoàn Cung Chiều, hậu thân thứ nhất của Trùng Dương, ra đời. Với sự lớn mạnh của Cung Chiều, các ca đoàn khác cũng theo nhau hồi sinh. Từ một dúm người ban đầu, Cung Chiều lớn mạnh như người khổng lồ, và phải hạn chế số ca viên ở mức 60 người (năm 1977) với những chọn lọc gắt gao.
          Nhưng rồi, Đắc Lộ bị "tan hàng", và Cung Chiều cũng đành "tan hàng" theo! Nhưng phong trào ca đoàn đã có đà, và cứ thế mà đi lên. Rất nhiều ca đoàn mới thành lập với rất nhiều ca trưởng đầy nhiệt huyết.
GIAI ĐOẠN 1979 – 1982, MANG TÊN CA ĐOÀN LANG THANG
          Năm 1977, ca trưởng Nguyễn Hoàng Hương rời khỏi Cung Chiều (Đắc Lộ) để sang với Tâm Ca (Regina Mundi) và Dấn Thân (Phanxico Đakao), và năm 1979 trở về Dòng Chúa Cứu Thế cùng linh mục Vũ Khởi Phụng thành lập ca đoàn Lang Thang. Ca đoàn Lang Thang ra đời để đáp ứng nhu cầu chuyên môn cho các ca trưởng. Một số lớn nam ca viên là ca trưởng tại các ca đoàn Giáo xứ, tham gia thêm vào Lang Thang để học hỏi kinh nghiệm, tìm cơ hội thực tập, trước khi đủ tự tin để bay "solo". Và đây là ca đoàn "lang thang" thứ thiệt ! Việc huấn luyện theo phương pháp "Vừa làm, vừa học, cầm tay chỉ việc". Lang Thang tìm đường khai phá nhiều thể loại nhạc áp dụng vào hợp xướng, từ cổ điển Tây phương, Thánh ca da đen, cho tới âm hưởng ca trù. Lang Thang chỉ lang thang đến những nơi "bị bỏ quên", xa xôi cách trở, những nơi người ta "ngại" đến như kinh tế mới Lê Minh Xuân, Tân Quý Đông Nhà Bè. Và sau này, bước chân lang thang được tiếp nối đã đi đến với anh em phong cùi tận Trại phong Di Linh, các em mồ côi cơ nhỡ tại Nha Trang, tại Don Bosco Đà Lạt, đồng bào K'Hor tại Lang Biang, và đến tận chân Đức Mẹ tại La Vang.
          Lang Thang ở DÒNG CHÚA CỨU THẾ với Cha Vũ Khởi Phụng được một thời gian rồi lại "mất hộ khẩu". May thay,Cha Bùi Quang Diệm gọi về hát ở Nhà Thờ Fatima, một giáo xứ nhỏ trên đường Nguyễn Trãi, đối diện rạp hát Quốc Thanh. Giáo xứ nằm giữa khu mà anh chị em ca viên gọi đùa là "Mascơva By Night" gồm toàn dân nhập cư "giang hồ tứ chiếng"! Mỗi lần tập hát về buổi tối, đạp xe giữa lòng Mascơva By Night tối om, lòng dạ lo nơm nớp. Cũng may trong suốt thời gian ở đây đã không xảy ra chuyện gì đáng tiếc.
GIAI ĐOẠN 1982 – 1998, PHỤNG SỰ CHÚA VỚI TÊN BÊ LINH
          Năm 1982, chữ duyên đưa đẩy, Lang Thang được Cha Sở Tân Định Phanxico Xavie Phan Văn Thăm gọi về và ca đoàn đổi tên thành Bê Linh. Đây là giai đoạn "định cư" khá êm đềm của Trùng Dương. Tuy nhiên, đã có thời gian ca đoàn phải tập hát tít tận trên lầu thượng, tha hồ mà tập thể dục ! Và cũng có thời gian số ca viên xuống chỉ còn gần 20 người.
GIAI ĐOẠN 1998 – NAY, BAN HỢP XƯỚNG TRÙNG DƯƠNG TRỞ LẠI MẠNH MẼ
          Năm 1998, một lần nữa cất bước ra đi, ca đoàn về Dòng Chúa Cứu Thế, chiếc nôi an bình của Trùng Dương năm xưa, và sinh hoạt ở đây. Năm 1999, Cha Sở Phêrô Nguyễn Văn Hiền gọi về Giáo xứ Mạc Ty Nho. Ca đoàn "Xin Vâng", và tại đây Bê-Linh đã lấy lại tên gọi "gốc" của mình và trở lại thành Trùng Dương.
t72
t73
t732
          Những ngày ở Mạc Ty Nho có thể nói là ổn định, ngay cả khi Cha Hiền đi xa, Cha Gioan Lê Quang Việt về, tính ổn định vẫn được duy trì. Ổn định về số ca viên, về sinh hoạt, về kỷ cương, về ... mọi chuyện! Sau nhiều năm truân chuyên giang hồ, phần lớn ca viên đã không còn trẻ nữa, nhưng nhiệt tình thì không hề vơi. Tại mái ấm gia đình Mạc Ty Nho, Trùng Dương cố gắng đóng góp hết sức mình vào những sinh hoạt trong niềm nhớ ơn nơi chốn đang cưu mang mình. Khuynh hướng hoạt động thiên về các công tác xã hội trong tôn chỉ " Đến với người khác như một người nghèo khó".Thêm vào đó là những đóng góp cho Mẹ Giáo Hội trong những chuyến hành hương tại Đại hội La Vang kỳ 25-26-27( năm 1999, 2002, 2005). Rồi những cố gắng để thực hiện những CD Thánh nhạc giúp giáo dân cầu nguyện trong âm nhạc, đồng thời ghi lại những tác phẩm Thánh nhạc không-dễ-có-được mà nhiều thế hệ Trùng Dương đã hát. Hiện nay Trùng Dương đã có được 6 CD, gồm:
* 2001: NIỀM VUI TRONG CHÚA (10 bài Thánh ca)
* 2004: LÒNG TRỜI (10 bài Thánh ca Mùa Chay)
* 2005: ĐẠO CA TRONG ĐỜI ( 10 bài Thánh ca "hát từ cửa nhà thờ hát ra!")
* 2005: HY VỌNG TIN YÊU (10 bài Thánh ca, kỷ niệm Giỗ 3 năm ĐHY PX Ng.V.Thuận)
* 2005: HỒN VIỆT (10 bài hành khúc cho tuổi trẻ)
* 2006: NGƯỜI ĐÃ ĐẾN (10 bài Thánh ca Mùa Chay và Phục Sinh)
* 2007: VUA BÌNH YÊN (10 bài Thánh ca Giáng sinh bất hủ)
Được tạo bởi Blogger.